• Currently 5/5
Kết quả: 5/5 (1922 phiếu)
  • Căn phòng hình tròn của nhà thiết kế nội thất

Mái nhà tựa như chiếc lá sen lớn kết nối với tường bởi những ô cửa kính nên ngôi nhà luôn ngập tràn ánh sáng.

Nhà thiết kế Phạm Kiều Phúc, người sáng lập Module 7 Design, được nhiều người biết tới bởi phong cách thiết kế nội thất tối giản với các sáng tạo trên sản phẩm của làng nghề. Chị thuê một ngôi nhà bốn tầng ở ven hồ Tây (Hà Nội) để đặt văn phòng, làm nơi trưng bày sản phẩm ở ba tầng dưới còn tầng 4 là không gian sống của chị.

 
Chị Phúc nhờ người bạn là KTS người Pháp, Gerald Verollet, hiện thực hóa ý tưởng của mình. Nếu như các phòng ở tầng dưới được tạo dựng bởi các đường nét vuông vắn, tầng trên cùng có kết cấu khác biệt với phần tường xây tròn bao quanh.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của căn nhà là phần mái tròn bằng cót ép - chất liệu quen thuộc trong các ngôi nhà Việt - lợp trên phần trụ gỗ. Mái thu nước về chính giữa, tạo thành hệ thống thác nước chảy xuống phần cửa kính.

 
Do căn phòng có nhiều cửa, lại có phần kính thoáng ở phía trên tường nên nhà lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng. Không chỉ thế, vào mỗi thời điểm trong ngày, chủ nhân còn thấy được thay đổi của thời gian, thời tiết bên ngoài. Ánh nắng chiếu xiên vào nhà tạo nên các cảm nhận thú vị, khác lạ.

Ngoài thời gian thiết kế, chị Phúc cũng rất thích vẽ tranh. Trong văn phòng, nơi ở, lối cầu thang đều treo các tác phẩm của chị và một số họa sĩ Việt  Nam. Tầng 4 cũng là nơi chị sáng tác, vẫn còn những bức tranh dang dở được đặt ngay cạnh tủ sách kiến trúc, nghệ thuật, văn học.

 
Trung tâm của căn nhà là một chiếc bàn dài bằng gỗ. Những ngày mùa đông cần nắng ấm, chị Phúc thường lên đây làm việc thay vì ngồi ở văn phòng tầng 2. Chiếc bàn này cũng là nơi chị tiếp khách, bạn bè thân thiết với bộ ấm tách trà Nhật độc đáo, 10 chiếc cốc không chiếc nào giống nhau nhưng lại đồng điệu nhờ tông màu trầm ấm. Hai chiếc ghế sắt vốn là ghế cắt tóc được bố trí thêm đệm, gối dựa đem tới sự khác lạ.

 
Tầng 4 được bao quanh bởi đường tròn mềm mại của bức tường trắng với nhiều khung cửa mở ra hai sân thượng bên ngoài. Bên cạnh đồ đạc tự thiết kế, trong nhà còn có nhiều loại đồ sứ, tranh ảnh hay các món đồ chị đem về từ các chuyến đi trong và ngoài nước.

 
Trong không gian mở này, tường không chỉ bao tròn liền mạch mà có những khoảng lùi để tạo ra phòng ngủ hoặc bếp nấu. Tủ sách, để đồ lặt vặt được cất gọn phía sau tấm rèm trắng.

 
Chiếc bàn bar là nơi chị Phúc cùng bạn bè có thể nhâm nhi đồ uống yêu thích và cũng để ngăn cách khu bếp nấu với các khu chức năng khác. Kiểu ghế bar do chính chủ nhà thiết kế từ việc ghép các miếng gỗ tạo thành mặt ghế mềm mại như liền khối.

 
Chiếc đèn trần sáng tạo từ những dụng cụ nấu bếp mà chị Phúc tình cờ nhìn thấy trong chuyến đi Hòa Bình.

 
Những chiếc đôn đơn giản tôn lên vẻ đẹp của những bình hoa hay các cuốn sách thể hiện rõ phong cách của chủ nhà: Tối giản Á Đông tinh tế.

 
Sảnh từ cầu thang dẫn vào phòng với những vật dụng bình thường như lưỡi cày cũng trở nên nghệ thuật khi được sắp xếp hợp lý.

 
Ngôi nhà đặc biệt thoáng đãng khi có tới hai sân thượng rộng, không bị cản tầm nhìn. Bộ bàn ghế có khả năng chịu đựng thời tiết được đặt ở phần sân nhìn ra ngoài đường vừa là nơi thưởng trà vừa là chỗ gia đình, bạn bè có thể làm tiệc nướng BBQ ngoài trời. Xung quanh, chị Phúc trồng nhiều loại hoa quen thuộc như hoa hồng, violet hay các loại rau canh giới, rau dền...

 
Khoảng sân phía đối diện nhìn ra một đầm sen mênh mông là nơi yên tĩnh, thoáng đãng hơn. Đó cũng là nơi chủ nhà thường ngồi thư thái ngắm cảnh, vẽ phác các ý tưởng sản phẩm.
AVA (Theo Vnexpress)